Trong những bệnh da liễu mùa hè không thể không kể đến bệnh viêm nang lông. Viêm nang lông tuy không nguy hiểm nhưng lại dai dẳng, gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu, da sần sùi mất thẩm mỹ khiến người người mắc phải mất tự tin. Cùng benhthuonggap.com.vn tìm hiểu về bệnh viêm nang lông và những nguyên nhân, biểu hiện của bệnh trên da này nhé.
Viêm nang lông là bệnh về da do các nang lông bị viêm. Bệnh thường ảnh hưởng các bộ phận của cơ thể như râu, cánh tay, lưng, mông và chân. Viêm nang lông ban đầu có thể nhìn giống như những nốt đỏ hay mụn. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh tiến triển, chúng sẽ lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể.
Nguyên nhân dẫn đến viêm nang lông
Nguyên nhân dẫn đến viêm nang lông là do nhiễm khuẩn tại lỗ chân lông hoặc chân tóc. Thường gây ra bởi vi khuẩn (hoặc nấm nhưng hiếm gặp). Trường hợp phổ biến nhất là vi khuẩn Staphylococcus Aureus (đa số là tụ cầu trùng). Ngoài ra có thể do vi khuẩn gram âm, Pseudomonas, Proteus…, nấm men, nấm sợi, virut herpes, u mềm lây và ký sinh vật demodex. Một số biến thể của viêm nang lông còn được gọi là viêm nang lông bồn tắm nóng và ngứa đinh râu.
Biểu hiện bệnh viêm nang lông
Khi bị viêm nang lông bạn sẽ có những biểu hiện khó chịu như : vùng da viêm bị ngứa, có thể sần sùi, nổi nhiều nốt đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn lại bên trong. Nốt đỏ không lớn nhưng dày đặc và gây ngứa. Viêm lỗ chân lông sẽ chuyển qua giai đoạn mụn nước có mủ trắng ở đầu, khi sờ vào thì thấy đau và nhức. Các mụn nước này vỡ ra sẽ đóng vẩy làm khô da. Mụn mủ thường mọc thành từng đợt, sau 7-10 ngày sẽ khỏi nhưng có thể để lại nốt thâm trên da.
Một số trường hợp, bệnh diễn biến dai dẳng trở thành mạn tính. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nang lông sẽ phát triển thành nhọt, cụm nhọt, ổ gà, đinh râu gây đau nhức và nhiều phiến toái cho người bệnh. Trên thực tế, viêm nang lông không phải là khó chữa trị nếu được dùng thuốc thích hợp và kịp thời.
Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế viêm nang lông
Bạn sẽ có thể kiểm soát viêm nang lông nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh cơ thể bằng xà phòng dịu nhẹ, đặc biệt là sau khi tập thể dục
- Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân ví dụ như khăn tắm
- Sử dụng thuốc kháng sinh bôi tại chỗ không kê đơn
- Tránh tự ý nặn nhọt
- Tránh cạo lông nếu có thể
- Tránh sử dụng các sản phẩm gây đổ dầu trên da. Dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông cùng với vi khuẩn gây viêm nang lông
Bệnh viêm nang lông tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng là căn bệnh gây nhiều khó chịu. Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm nang lông là tắm rửa sạch sẽ bằng xà bông dịu nhẹ, mặc quần áo thoáng mát và triệt lông đúng cách. Khi có những biểu hiện nặng bạn nên đi khám để được tư vấn chính xác từ bác sĩ.